Đám cưới mất… 2 ngày

Hầu hết các đám cưới ở quê miền Bắc ngày nay đều diễn ra trong hai ngày. Một ngày trước lễ cưới chính thức sẽ diễn ra các nghi thức chuẩn bị như: bác rạp (nhà bạt), xắp xếp bàn ghế, chuẩn bị bát, đĩa để mọi công việc trong tiệc cưới hôm sau diễn ra trôi chảy.

Trong ngày chuẩn bị, rạp cưới được căng lên, loa đài cũng được mở lan truyền khắp xóm, báo hiệu tin vui sắp về với gia đình hôn lễ. Buổi chiều, những khách mời thân thiết sẽ đến chơi, chúc mừng gia đình, có thể mang lễ mừng đến luôn trong ngày này. Thông thường, ở các miền quê , quà cưới cho gia đình đều được tặng trong ngày này. (Có thể là tiền mừng, gạo nếp, gạo trắng, chè tươi…)

Đám cưới thanh bình ở quê

Đám cưới thanh bình ở quê

Buổi sáng hoặc chiều trước ngày tổ chức lễ cưới, lễ ăn hỏi có thể được cử hành, nếu đám hỏi (lễ đính hôn) chưa được tổ chức riêng trước đó. Ngày nay, nhiều gia đình đều gộp lại, tức là, tổ chức vào một ngày, trước khi lễ cưới chính thức diễn ra.

Buổi tối là buổi liên hoan văn nghệ của các thanh niên trong làng, ngoài xã. Ở cả hai họ nhà gái và họ nhà trai đều có đàn, nhạc và một MC dẫn dắt. Các thanh niên sẽ tham gia buổi liên hoan văn nghệ đó cùng nhau. Đến đêm muộn, họ có thể giảm tiếng loa đài và hát karaoke.

Trong buổi tối đó, cô dâu, chú rể đều ăn mặc đẹp, đón tiếp khách khứa. Đây cũng là thời gian cô dâu, chú rể có dịp trò chuyện, cảm ơn khách mời của mình chu đáo nhất. Vì ngày hôm sau, thời gian ít hơn, công việc chuẩn bị lâu hơn, có thể họ không chu đáo được việc cảm ơn và chào hỏi những người đã đến chúc mừng lễ cưới của mình. Chú rể nếu không ở quá xa nhà cô dâu, thì tới đêm khuya, khi đã vãn khách, sẽ sang nhà cô dâu cùng một vài người bạn thân, để chào hỏi cũng như kiểm tra, thống nhất lại một lần nữa với cô dâu về những điều cần thiết cho lễ cưới ngày hôm sau.

Gia đình chuẩn bị cỗ cưới

Gia đình chuẩn bị cỗ cưới

Tiệc cưới và lễ cưới được tổ chức riêng

Ngày cử hành hôn lễ, nếu ở thành phố, mọi người thường chuộng  cưới hỏi trọn gói. Lễ công bố thành hôn có thể tiến hành trước tiệc mặn một vài phút. Nhưng với  đám cưới ở quê, tiệc cưới lại diễn ra trước.

Khỏang 9h – 11 giờ sáng, tất cả khách mời cùng nhau đến dự tiệc. Khoảng 11h, tiệc cưới xong là lúc gia đình hai bên xắp xếp lại bàn ghế, chuẩn bị đón khách quay trở lại, dự lễ rước dâu và lễ thành hôn. Vì khoảng cách giữa khách mời và gia đình không quá xa, người đi ăn tiệc trở về nhà thay quần áo và trở lại dự lễ cưới của hai người với những bộ trang phục mới. Lễ thành hôn thường được tổ chức vào đầu giờ chiều, khoảng 1 – 2 h. Lễ thành hôn kết thúc cũng là lúc đám cưới coi như thành công. Nhà trai khi ấy bắt đầu dỡ rạp và thu dọn bàn ghế.

Cỗ cưới ở quê cũng có nhiều món, nhưng các món khô được

Cỗ cưới ở quê cũng có nhiều món, nhưng các món khô được “mặc định” là đồ để lấy phần

Điều đặc biệt, trong đám cưới ở quê miền Bắc bao giờ cũng được làm rất nhiều đồ ăn. Một phần thức ăn (được gọi là đồ khô: như giò, mọc, thịt gà..) được mặc định là phần mang về cho những người ở nhà không đi ăn cỗ. Phần thức ăn còn lại còn gọi là đồ ướt (như ninh, mọc, các món xào..) sẽ được khách đến dự tiệc dùng. Bởi vậy, những người đi dự tiệc cưới bao giờ cũng có một phần quà mang về.

Gia đình tổ chức tiệc cưới thường chuẩn bị các túi bóng hoặc giấy gói để khách tới dự có thể mang về. Trước đây, việc lấy phần này bị chê cười, nhưng ngày nay đã trở thành điều hiển nhiên như một phong tục chia sẻ niềm vui trong hầu hết các đám cưới ở quê.